Cách xây dựng Mục tiêu chất lượng năm 2020 theo SMART
05/02/2020 // Comments OffNếu không có mục tiêu, chúng ta không biết sẽ đi đến đâu. Nếu mục tiêu không gắn với điều bản thân ta mong muốn, mục tiêu không rõ ràng, không khả thi, không phù hợp với bối cảnh, chúng ta sẽ khó mà đạt được. Định kỳ vào đầu năm, các doanh nghiệp, tổ chức thường phải xây dựng Mục tiêu cho cả năm. Bài viết này hướng dẫn cách xây dựng Mục tiêu chất lượng cho năm 2020 theo nguyên tắc thông minh SMART, có xét tới bối cảnh kinh tế hiện nay và tiêu chuẩn ISO 9001:2015
Bối cảnh kinh tế hiện nay – đầu năm 2020:
Tình hình kinh tế thế giới và khu vực thời gian gần đây có nhiều chuyển biến phức tạp với sự xuất hiện của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, quá trình Brexit để nước Anh rời khỏi EU…. Đặc biệt là tình hình dịch cúm Corona bùng phát ở Trung Quốc, đã lây lan đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu … đã tạo ra yếu tố có nguy cơ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu.
Ở nước ta, theo các chuyên gia kinh tế, có các yếu tố tạo ra trạng thái mới, tích cực cho nền kinh tế Việt Nam về thương mại, vốn FDI, lạm phát, lãi suất, … kinh tế đang diễn biến theo một trạng thái mới khác biệt với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Đó là tăng trưởng ở mức cao nhưng không chịu sức ép của lạm phát cũng như nền kinh tế với độ mở cao.
Bên cạnh đó, kinh tế trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, như: chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, dịch cúm Corona sẽ có tác động tiêu cực tới nền kinh tế trên quy mô rộng và liên ngành – theo TS. Vũ Thanh Liêm, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Trong đó, các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất có thể kể tới là dịch vụ (du lịch, ăn uống, lưu trú, vận tải), nông nghiệp (hàng nông sản xuất khẩu) và công nghiệp (ngành điện tử, may mặc, dày da, nhựa, doanh nghiệp sản xuất phụ trợ, do thiếu nguyên vật liệu đầu vào, nhập khẩu máy móc thiết bị từ Trung Quốc). Dịch cúm này diễn biến rất phức tạp, khó lường, cho tới nay cũng chưa có một dự báo nào chắc chắn rằng bao giờ nó sẽ kết thúc. Theo các chuyên gia, ảnh hưởng của dịch cúm tới kinh tế nước ta có thể sẽ kéo dài trong nửa đầu năm 2020.
Cách xây dựng Mục tiêu theo nguyên tắc SMART:
Nguyên tắc SMART là gì?
Đó là chữ viết tắt của các chữ:
S – Specfic: Cụ thể
M – Measurable: Đo lường được A – Agreed: Thống nhất. |
R – Realistic: Thực tế, khả thi
T – Timebound: có Thời hạn. |
Lợi ích của SMART: Việc xây dựng Mục tiêu theo nguyên tắc SMART sẽ giúp doanh nghiệp, tổ chức hoàn thiện các Mục tiêu chất lượng và loại bỏ những Mục tiêu không phù hợp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện và quản lý để đạt được Mục tiêu.
Nội dung của SMART chi tiết như sau:
- Specific – Cụ thể
Trước tiên, khi đặt ra mục tiêu, bạn cần trả lời câu hỏi: “Bạn mong muốn đạt được điều gì trong năm nay? Mục tiêu cần đạt được là gì? Trong phạm vi nào?”. Việc xác định rõ đối tượng mục tiêu sẽ hình thành cơ sở nhất quán cho việc theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện và triển khai các hoạt động khắc phục tương ứng. Một mục tiêu như “Tăng trưởng kinh doanh cao hơn năm ngoái”, “Đảm bảo chất lượng sản phẩm” thì rất chung chung, không cụ thể. Cần làm rõ “Doanh thu tăng trưởng 30% so với năm ngoái”, “Tỷ lệ sản phẩm lỗi/ đạt, cho từng đơn hàng, theo tháng hay trung bình trong năm là bao nhiêu?”. VD như: “Giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi công đoạn sản xuất trung bình chung cả năm xuống dưới 1%”. Giả sử, trong quá trình triển khai sản xuất, tỷ lệ sản phẩm sai lỗi của đơn hàng A trong tháng 6 là 1.1%, nhưng tỷ lệ sai lỗi trung bình chung trong năm đến kỳ mới là 0.95%, khi đó xưởng sản xuất sẽ cần có hành động khắc phục trong tháng 6, trong khi lại chưa cần có hành động khắc phục cho cả năm.
Thứ hai, sự cụ thể của mục tiêu còn thể hiện ở “kết quả mong muốn đạt được ở mức nào?”. Một mục tiêu như “Cố gắng giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi trung bình chung cả năm của công đoạn” là rất chung chung, không cụ thể. Với mục tiêu này, cả người thực hiện và người theo dõi đều không biết được là kết quả mong muốn đạt được sẽ ở “mức nào” để đặt ra kế hoạch hành động và theo dõi đánh giá.
- Measurable – Đo lường được
Nghĩa là thước đo để xác định mức độ đạt được kết quả mong muốn. Một mục tiêu tốt cần trả lời được câu hỏi “Có cách nào để đánh giá mức độ đạt được mục tiêu?”, “Các số liệu và hệ thống cập nhật, xử lý số liệu có sẵn sàng cho việc đánh giá mức độ đạt mục tiêu?”. Rõ ràng là một mục tiêu như “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động” là một mục tiêu vừa chung chung, vừa không đo lường được. Bên cạnh đó, có mục tiêu mới nghe qua thì thấy có vẻ đo lường được, nhưng khi thực sự xem xét việc đo lường mức độ thực hiện thì lại không trả lời được các câu hỏi ở trên. Ví dụ, mục tiêu khó đo lường như: “Nâng cao mức độ thảo mãn khách hàng trong năm 2020” thì người phụ trách không biết sẽ phải đo lường thế nào. Ví dụ Mục tiêu đo lường được như “90% khách hàng đánh giá hài lòng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của Công ty trong năm 2020” sẽ là một mục tiêu có thể đo lường được. Mục tiêu đo lường được thường thể hiện bằng con số cụ thể hoặc tỷ lệ %.
Ngoài ra, khả năng đo lường cho một Mục tiêu phụ thuộc vào sự sẵn có và thích hợp của một phương pháp đo lường mức độ thực hiện mục tiêu và sự sẵn có của hệ thống thu thập, lưu trữ, tổng hợp và xử lý dữ liệu cần thiết cho phương pháp tính này. VD mục tiêu là “Giảm thời gian chờ của khách hàng nhóm A xuống dưới 2 giờ/tháng”. Với mục tiêu này, nếu hệ thống quản lý thông tin hiện hành không có việc ghi nhận thời gian chờ của khách hàng cho nhóm A, thì bộ phận phụ trách cũng không có cơ sở để xác định mức độ thực hiện mục tiêu.
- Agreed – Thống nhất
Theo Tiêu chuẩn ISO 9001, Mục tiêu chất lượng tốt là một phần của một hệ thống mục tiêu trong tổ chức. Mục tiêu chất lượng cần đảm bảo sự liên quan và tính thống nhất với các mục tiêu cấp trên và cấp dưới của nó (theo chiều dọc) và các mục tiêu ngang cấp. Như vậy, việc xem xét đơn lẻ không đủ để đánh giá một Mục tiêu mà còn cần xác nhận sự thống nhất của Mục tiêu này với mục tiêu cấp trên (hỗ trợ thực hiện), mục tiêu cấp dưới (định hướng), và mục tiêu ngang cấp (hỗ trợ qua lại). Một mục tiêu “thống nhất” thường là kết quả của quá trình thiết lập theo phương pháp ma trận. Giả sử một Mục tiêu trong năm 2020 của Bộ phận Chăm sóc khách hàng là “Đảm bảo tỷ lệ cuộc gọi được kết nối trong lần gọi đầu tiên đến tổng đài chăm sóc khách hàng là trên 90%”, trong khi Công ty có một Mục tiêu là “Nâng cao chỉ số thỏa mãn khách hàng theo kết quả khảo sát thỏa mãn khách hàng năm 2020 lên trên 85%”, và Phòng Kinh doanh có một Mục tiêu là “Đạt được tỷ lệ các khách hàng cũ có đơn hàng lặp lại là 85%”. Khi đó Mục tiêu của Bộ phận Chăm sóc khách hàng được coi là thống nhất khi đảm bảo hỗ trợ mục tiêu của Công ty về thỏa mãn khách hàng và hỗ trợ mục tiêu của Phòng Kinh doanh.
Ngoài ra, tính thống nhất của Mục tiêu còn thể hiện ở cơ chế thiết lập, sự tham gia của các cấp trong quá trình thiết lập và hình thức ban hành các Mục tiêu. Một mục tiêu cấp 2 (cấp bộ phận) được thiết lập một cách thống nhất về mặt khoa học, nhưng được triển khai theo phương pháp “ấn định” từ trên xuống, thì rất khó có thể đạt được sự thống nhất về mặt tâm lý. Một số công ty có hình thức “ký cam kết thi đua” bằng cách đảm bảo rằng các mục tiêu, sau khi có thảo luận thống nhất, được ký xác nhận bởi các Cán bộ Quản lý liên quan để “thống nhất” và “nhận trách nhiệm” triển khai, đồng thời được phê duyệt bởi Lãnh đạo trực tiếp.
4. Realistic – Thực tế/ Relevant – Sự liên quan:
Realistic – Thực tế: Tiêu chuẩn ISO 9001:2015, điều 6.2 yêu cầu Mục tiêu phải nhất quán với Chính sách chất lượng và phải hướng đến cải tiến liên tục, như vậy, điều nhắm tới thường là “tốt hơn” so với hiện trạng. Tuy nhiên, mục tiêu được đặt ra không phải chỉ để thể hiện “mong muốn” viển vông, mà cần phải rất thực tế và có khả năng đạt được (tính khả thi). Thông thường, tính thực tế của mục tiêu phụ thuộc vào 2 yếu tố là: “tính đầy đủ, đáng tin cậy” của kết quả phân tích số liệu về tình trạng hiện tại và “sự thỏa đáng, khả thi” của kế hoạch thực hiện. Một mục tiêu về tăng doanh số sản phẩm A sẽ không thực tế nếu trước đó Doanh nghiệp không có số liệu xác định doanh số sản phẩm A (số liệu quá khứ). Ngay cả khi biết được doanh số sản phẩm A của giai đoạn trước, nhưng nếu số liệu không sẵn sàng để phân tích thực trạng này (các yếu tố và mức độ tác động của bối cảnh thay đổi đến doanh số sản phẩm A) thì mục tiêu cũng trở nên không thực tế. Ví dụ: Tăng 30 % lượng khách du lịch quốc tế sử dụng dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng trong quý I/2020 (đang trong dịch cúm corona) là không khả thi.
Về Kế hoạch thực hiện (action plan), mục tiêu về năng suất lao động này chỉ được coi là thực tế khi kế hoạch thực hiện mục tiêu tương xứng với những vấn đề được xác định trong phân tích tình trạng hiện tại, và các giải pháp này phải khả thi trên thực tế (cả về công nghệ, tài chính, năng lực nhân sự và văn hóa doanh nghiệp). Trong thực tế, các mục tiêu có kế hoạch thực hiện với nội dung chung chung như “Tăng cường nhắc nhở”, “Tăng cường giáo dục nhân viên”, hoặc “Tăng cường giám sát” thường có khả năng thực hiện thấp. Một Kế hoạch thực hiện tốt cần có cần làm gì để đạt mục tiêu, ai làm, bộ phận nào chịu trách nhiệm làm, nguồn lực cần thiết là gì, khi nào xong, theo dõi kết quả định kỳ (hàng tháng, quý, năm) đến đâu?
Relevant “Sự liên quan”: là một tiêu chí hết sức quan trọng, quyết định đến vai trò và giá trị của Mục tiêu chất lượng cho các nỗ lực cải tiến và tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức. Ở góc độ này, mục tiêu chất lượng tốt cần đảm bảo là một phần của hệ thống triển khai Chính sách chất lượng, hay Mục tiêu cần gắn với các chỉ tiêu hoạt động trọng yếu về chất lượng – KPI. Những mục tiêu như “Tăng cường hoạt động công đoàn…”, khó xác định được mối quan hệ với các chiến lược về chất lượng.
Ngoài ra, Mục tiêu còn phải đảm bảo phản ánh những ưu tiên quản lý trong giai đoạn tiếp theo. VD 1: Khi lượng khách hàng mới tăng ít do thiếu nghiên cứu mở rộng thị trường, trong khi mục tiêu của Phòng Kế toán lại nêu “Cắt giảm chi phí nghiên cứu sản phẩm mới và chi phí marketing xuống 10%”. VD 2: Khi tỷ lệ sản phẩm không phù hợp tăng cao do các máy móc hoạt động thiếu ổn định và hay hỏng, thì mục tiêu của Phòng Thiết bị về “Giảm lượng dự trữ phụ tùng thay thế 15%”… được coi là thiếu ‘Sự liên quan’ đến ưu tiên quản lý trong kỳ tiếp theo.
Khi lập Mục tiêu còn phải dựa vào chức năng nhiệm vụ của bộ phận đó, VD: không thể đặt mục tiêu “Tăng lượng khách hàng mục tiêu được tiếp cận lên 15 %” cho Phòng Hành chính, mà mục tiêu đó liên quan đến Phòng Marketing.
- Timebound – Có khung thời gian
Các Mục tiêu cần thể hiện “điều định tìm kiếm” cho một giai đoạn với thời hạn cụ thể, nhằm phản ảnh mối quan hệ mang tính “thời điểm” giữa thực trạng và kế hoạch thực hiện cụ thể. Chu kỳ Mục tiêu được xác định trùng với chu kỳ của năm tài chính, thường là năm dương lịch (Ví dụ: Giai đoạn từ 1/1 – 31/12; hoặc từ 1/4 năm trước đến 31/3 năm sau). Vì vậy chúng ta hay thấy các tuyên bố như “Mục tiêu chất lượng năm 2020”. Nhiều người cho rằng khi tổ chức theo đuổi các mục tiêu “thường xuyên” thì không nhất thiết cần khung thời gian, tuy nhiên, trong trường hợp này, dường như đã có sự nhầm lẫn về “Mục đích – Goal” và “Mục tiêu – Objective”. Chẳng hạn, khi chúng ta đến một tổ chức và thấy khẩu hiệu được tuyên truyền, như “tăng năng suất 10%/ năm, tăng chất lượng 10%/ năm”, hoặc “0% sai lỗi – Zero defect”, thì đó là một mục đích theo đuổi, thể hiện sự cam kết và quan điểm, hơn là con số chính xác cần đạt được trong các lĩnh vực năng suất, chất lượng. Để theo đuổi mục đích này, công ty đó vẫn cần các mục tiêu cụ thể cho từng chu kỳ. Vì vậy, trong quá trình thiết lập Mục tiêu, đừng bỏ qua câu hỏi “mục tiêu cần phải đạt được vào thời điểm nào? khi nào hoàn thành?”. VD Mục tiêu về thời gian, Doanh nghiệp, tổ chức có thể đưa ra mục tiêu: “Hoàn thành việc nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và đạt chứng chỉ trước 15/9/2020”.
Tóm lại, bài viết này đã hướng dẫn cách xây dựng Mục tiêu chất lượng cho năm 2020 theo nguyên tắc SMART có xét đến bối cảnh kinh tế và tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Hy vọng phần nào giải đáp thắc mắc và giúp bạn đọc trong cách xây dựng mục tiêu cho năm mới 2020. Nếu còn vướng mắc trong quá trình xây dựng mục tiêu, bạn có thể liên hệ với Chuyên gia tư vấn TOPMAN để được hỗ trợ.
Tác giả: HieuISO
Similar posts
-
KHÓA ĐÀO TẠO CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ NỘI BỘ HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢ ...
07/04/2022 // Comments OffHệ thống quản trị chất lượng của Công ty mình đã hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu phát triển hay chư...
-
ĐÀO TẠO ĐÁNH GIÁ NỘI BỘ ISO 9001 VÀ ISO 14001 CHO CÔNG TY ARI ...
07/04/2022 // Comments OffVừa qua, TopMan đã triển khai và hoàn thành khóa đào tạo Đánh giá viên nội bộ Hệ thống quản lý...
-
KHÓA HỌC KỸ NĂNG PHÁT TRIỂN BẢN THÂN K3
31/08/2021 // Comments OffKHÓA HỌC KỸ NĂNG PHÁT TRIỂN BẢN THÂN - Khóa 3 Khai giảng: Sáng thứ Hai, ngày 06/09/2021, Onli...
-
ĐÀO TẠO KỸ NĂNG PHÁT TRIỂN BẢN THÂN K2
07/08/2021 // Comments OffĐÀO TẠO KỸ NĂNG PHÁT TRIỂN BẢN THÂN K2 - Kiến tạo tương lai của bạn Khai giảng: Sáng thứ Hai,...
-
ĐÀO TẠO KỸ NĂNG 21 NGÀY PHÁT TRIỂN BẢN THÂN QUA ONLINE ...
28/06/2021 // Comments OffCác bạn Sinh viên thân mến, “Thành công của một người được quyết định bởi 25% trình độ chuyên...
-
Đào tạo CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ NỘI BỘ THEO ISO 9001
09/06/2020 // 3 CommentsBạn có biết Hệ thống quản trị chất lượng của Công ty mình đã hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu phát...
WordPress database error: [Table './topman_test/wp_comments' is marked as crashed and should be repaired]SELECT SQL_CALC_FOUND_ROWS wp_comments.comment_ID FROM wp_comments WHERE ( comment_approved = '1' ) AND comment_post_ID = 6336 AND comment_parent = 0 ORDER BY wp_comments.comment_date_gmt ASC, wp_comments.comment_ID ASC