Nghề quản lý chất lượng và triển vọng phát triển

Written by admin   // 03/04/2013   // 0 Comments

Kể từ khi ISO 9000 du nhập vào Việt Nam, khởi đầu là 2 doanh nghiệp áp dụng ISO 9000 vào năm 1996, tính đến nay, trong cả nước đã có khoảng 7000 tổ chức, doanh nghiệp áp dụng Hệ thống Quản lý Chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9000. Như vậy, cũng tồn tại con số tối khoảng 10.000 cán bộ Đại diện Lãnh đạo về Chất lượng (QMR), Thư ký ISO, không kể những người đã rời bỏ vị trí này.

Tuy nhiên, phần lớn cán bộ QMR/ Thư ký ISO của các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc thực hiện vai trò của mình và do đó cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hệ thống ISO 9000. Bên cạnh yêu cầu “báo cáo tới lãnh đạo cao nhất về kết quả của hệ thống”, Tiêu chuẩn ISO 9001:2000 chỉ đưa ra yêu cầu đối với cán bộ QMR là : “đảm bảo…”, “đảm bảo thúc đẩy hệ thống…” nhưng không chỉ ra rằng cán bộ QMR phải “đảm bảo” như thế nào. Qui định chung như vậy thể hiện tính ưu việt của Tiêu chuẩn phiên bản mới nhưng cũng gây không ít khó khăn cho cán bộ QMR trong quá trình tiến hành công việc.
nghe quan ly chat luong trien vong phat trien20130121131816 Nghề quản lý chất lượng và triển vọng phát triển
Theo qui định của yêu cầu 5.5.2 của tiêu chuẩn ISO 9001:2008, lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp phải chỉ định, trao quyền hạn cho một người đại diện để: quản lý, theo dõi, đánh giá và điều phối Hệ thống ISO 9000. Mục đích của việc trao quyền này là nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hệ thống trong quá trình vận hành và cải tiến hệ thống.
Do vậy, QMR là một vị trí rất quan trọng trong quá trình triển khai, duy trì và cải tiến Hệ thống ISO 9000.

Phần lớn các doanh nghiệp áo dụng ISO 9000 đều giao phó Hệ thống cho cán bộ QMR/ Thư ký ISO với hy vọng đạt được hiệu lực và hiệu quả của hệ thống mà không có cơ sở để chắc rằng cán bộ này có thể điều hành hệ thống một cách hiệu quả. Rất nhiều doanh nghiệp lại không đánh giá đúng vai trò, giá trị của QMR đối với sự thành công của hệ thống. Họ cho rằng bổ nhiệm cán bộ QMR để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn và để có người  “gánh” hệ thống chuẩn bị cho các cuộc đánh giá của cơ quan chứng nhận. Bởi vậy, họ không quan tâm đến các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ QMR để có thể quản lý hệ thống đạt hiệu quả  cũng như thiếu đầu tư, trang bị kiến thức kinh nghiệm cho cán bộ này.

Ở các nước có phong trào ISO 9000 phát triển mạnh, QMR còn được gọi là Giám đốc Chất lượng. Thư ký ISO không chỉ 1 người mà gồm một nhóm người, phát triển hơn nữa đó là có Phòng Quản lý chất lượng hệ thống. Lãnh đạo cấp cao ở đây ý thức rất rõ vai trò của cán bộ QMR với sự thành công của hệ thống ISO 9000. Họ hiểu rằng: ngoài việc nắm bắt tổng thể các quá trình trong hệ thống và các vấn đề chất lượng trong doanh nghiệp, cán bộ QMR cần nắm rõ các phương pháp, công cụ hỗ trợ cũng như biết lựa chọn và sử dụng các giải pháp, công cụ thích hợp trong điều kiện cụ thể của doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, cán bộ QMR cũng cần có các kỹ năng xã hội khác như: trình bày, truyền đạt, thuyết phục, khích lệ để tập hợp mọi người tham gia cải tiến hệ thống chất lượng. Họ cũng cần có năng lực tổ chức, chỉ đạo các hoạt động triển khai, các cuộc đánh giá và có lối tư duy theo hệ thống vì “tiếp cận theo hệ thống” là một nguyên tắc quan trọng xuyên suốt Bộ Tiêu chuẩn ISO 9000.

Câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp áp dụng ISO 9000 là: làm thế nào để có cán bộ QMR tốt, làm thế nào để có thể thu nhận tối đa sự đóng góp của QMR cho hoạt động cải thiện hệ thống ISO 9000. Đánh giá đúng tầm quan trọng của cán bộ QMR và trao quyền chủ động một cách hợp lý cho họ là điều kiện tiên quyết để có được một cán bộ QMR đạt yêu cầu. Năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm, năng khiếu, tư duy và động cơ làm việc là những tiêu chí chủ yếu để có thể lựa chọn được một cán bộ QMR thoả mãn yêu cầu quản lý. Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp cao còn cần có những hoạt động hỗ trợ về thời gian, giảm bớt công việc chuyên môn, cung cấp nguồn lực và các công cụ thích hợp để cán bộ QMR thực hiện vai trò của mình đạt kết quả tốt. Và để đáp ứng tinh thần cải tiến liên tục của bộ Tiêu chuẩn ISO 9000, việc đào tạo, tổ chức học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm là điều kiện không thể thiếu trong việc nâng cao năng lực, kiến thức cho cán bộ QMR để điều hành hệ thống đạt hiệu quả. Một số doanh nghiệp đã quan tâm đến nhu cầu đào tạo, cập nhật các kiến thức, kỹ năng cho QMR nhưng thường phải tự tìm đến các khoá đào tạo rời rạc với từng nội dung riêng lẻ mà không đảm bảo tính tổng hợp và tính hệ thống của kiến thức. Từ thực tế này, Trung tâm Năng suất Việt Nam – một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp về ISO 9000 đã triển khai khoá đào tạo đầu tiên dành riêng cho đối tượng là QMR tại Tp. Hồ Chí Minh. Để đảm bảo hiệu quả thu nhận kiến thức, khoá đào tạo được thiết kế với số lượng học viên hạn chế nhưng đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp. Điều đó cho thấy nhu cầu về vị trí QMR

Rõ ràng, sự không hoàn hảo của vị trí QMR trong doanh nghiệp áp dụng ISO 9000 là một lỗ hổng của Hệ thống Quản lý Chất lượng và là vấn đề bức xúc trong xu thế ISO 9000 toàn cầu.

Trong khi tỉ lệ các doanh nghiệp áp dụng ISO 9000 mới chỉ chiếm 1% trong tổng số các doanh nghiệp Việt Nam thì việc triển khai áp dụng rộng rãi ISO trên toàn quốc sẽ mở ra một cơ hội nghề nghiệp lớn cho các cán bộ trong doanh nghiệp cũng như các sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Trong điều kiện khoảng cách giữa vai trò, năng lực của các cán bộ QMR hiện tại so với yêu cầu của một QMR thực thụ đối với hệ thống ISO 9000 đang là vấn đề nan giải của nhiều doanh nghiệp thì việc trở thành một cán bộ Đại diện Lãnh đạo về Chất lượng trong xu thế ISO trên toàn cầu quả thực là một ước mơ trong tầm tay đối với rất nhiều người.  Để khai thác lợi ích của ISO 9000 phục vụ mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp, Đại diện Lãnh đạo về Chất lượng đã, đang và sẽ là vị trí vô cùng quan trọng đóng góp vào sự thành công của hệ thống điều hành doanh nghiệp.


Tags:

hệ thống quản lý chất lượng

ISO 9000

iso 9001:2008


Similar posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

 chợ phùng khoang

Design by TopMan