Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO/TS 16949:2009

Written by admin   // 12/11/2013   // 0 Comments

I. ISO/TS 16949:2009 LÀ GÌ?

ISO/TS 16949 là tiêu chuẩn quốc tế quy định các yêu cầu đối với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 trong các cơ sở sản xuất ô tô và cung ứng dịch vụ liên quan. ISO/TS 16949 kết hợp các yêu cầu của các tiêu chuẩn ISO 9001 và các tiêu chuẩn quản lý chất lượng ngành ô tô của các quốc gia, hiệp hội: AVSQ (Ý), EAQF (Pháp), VDA6 (Đức) và QS-9000 (Mỹ) thành một tiêu chuẩn duy nhất.

Tiêu chuẩn này được phát triển bởi Hiệp hội Ô tô quốc tế – IATF (International Automotive Task Force), Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Nhật Bản (JAMA) với sự hỗ trợ của Ủy ban Kỹ thuật ISO/TC 176 – Quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng.

IATF được thành lập từ những năm đầu thập niên 1990, bao gồm nhóm các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới: BMW Group, Chrysler Group, Daimler AG, Fiat Group Automobile, Ford Motor Company, General Motors Company, PSA Peugeot Citroen, Renault SA, Volkswagen AG và các hiệp hội thương mại tương ứng của các nhà sản xuất ô tô này, gồm AIAG (U.S.), ANFIA (Italy), FIEV (France), SMMT (U.K.) và VDA (Germany). Việc này xuất phát từ nhu cầu cần thiết về việc phải hợp nhất các tiêu chuẩn quản lý chất lượng trong ngành sản xuất ô tô của các quốc gia và của các nhà sản xuất ô tô để giảm thiểu việc phải đánh giá nhiều lần bởi chính nhà sản xuất, bởi khách hàng và các tổ chức chứng nhận.

ISO/TS 16949 dựa trên hai nền tảng cơ bản là 8 nguyên tắc quản lý chất lượng và việc thỏa mãn các yêu cầu cụ thể của khách hàng, nhằm phát triển hệ thống quản lý chất lượng để cải tiến liên tục, tập trung vào phòng ngừa khuyết tật, giảm sự biến động và lãng phí trong chuỗi cung ứng.

Quá trình phát triển của tiêu chuẩn ISO/TS 16949 đến nay: dichvu16949 2 Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO/TS 16949:2009

Theo thống kê của tổ chức ISO (ISO Survey of Certification 2010, phát hành ngày 01-12-2011), tính đến cuối tháng 12/2010, có ít nhất 43.946 chứng chỉ ISO/TS 16949 đã được cấp ở 84 quốc gia và nền kinh tế.

II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Bất kỳ tổ chức nào trong chuỗi cung cấp ô tô thỏa mãn tiêu chí sau đây đều có thể áp dụng và đăng ký chứng nhận ISO/TS 16949:2009:

1) Về phạm vi áp dụng:

  • Quy định kỹ thuật này (ISO/TS 16949:2009), cùng với các yêu cầu của ISO 9001:2008, xác định các yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng đối với việc thiết kế và phát triển, sản xuất và, khi thích hợp, lắp ráp và cung cấp dịch vụ về các sản phẩm liên quan đến ô tô.
  • Quy định kỹ thuật này có thể áp dụng đối với các cơ sở của tổ chức ở đó việc sản xuất và/ hoặc các bộ phận dịch vụ được quy định bởi khách hàng được sản xuất ra.

2) Thuật ngữ “Ô tô” (Automotive) phải được hiểu bao gồm: ô tô, xe tải (nhẹ, trung, nặng), xe buýt, xe máy.

3) Các địa điểm, cơ sở sản xuất và cung cấp dịch vụ (sites) trong chuỗi cung ứng ô tô bao gồm:

  • Các địa điểm ở đó diễn ra các quá trình sản xuất gia tăng giá trị.
  • Các cơ sở vệ tinh cung cấp các chi tiết gia tăng giá trị, các thành phần, sản phẩm, lắp ráp bán thành phẩm và dịch vụ tham gia vào chuỗi cung cấp cho nhà sản xuất thiết bị gốc – OEM (Original Equipment Manufacturer).
  • Các cơ sở vệ tinh trong chuỗi cung cấp ô tô, ở đó sản xuất ra các nguyên vật liệu sản xuất, các chi tiết; các sản phẩm lắp ráp, hoặc cung cấp dịch vụ gia tăng giá trị để hoàn thiện sản phẩm, ví dụ như xử lý nhiệt, hàn, sơn, mạ điện…. cho các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) có áp dụng tiêu chuẩn này.
  • Các đơn vị chức năng hỗ trợ, dù đặt tại chỗ hay ở nơi khác (như trung tâm thiết kế, trụ sở chính và trung tâm phân phối), là những đơn vị thuộc diện cần được đánh giá nhưng không được chứng nhận độc lập theo tiêu chuẩn này.

Lưu ý: ISO/TS 16949:2009 không áp dụng đối với các sản phẩm hoặc tổ chức liên quan sau:

  • Chuỗi cung cấp phương tiện cơ giới đối với hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, hoặc không sử dụng trên đường dành cho giao thông (Off-highway, ví dụ: khai khoáng, lâm nghiệp, xây dựng…).
  • Các chi tiết ô tô phục vụ cho dịch vụ sau bán hàng được sản xuất theo yêu cầu của các nhà sản xuất thiết bị gốc có đăng ký với IATF, nhưng không được mua hoặc xuất thông qua các nhà sản xuất này.
  • Các nhà sản xuất công cụ, thiết bị sản xuất, đồ gá, cấu kiện, khuôn đúc… được sử dụng trong công nghiệp ô tô.
  • Các chi tiết ô tô được tái sản xuất, làm lại.
  • Các trung tâm phân phối, kho hàng, đơn vị bao gói chi tiết, hỗ trợ dịch vụ hậu cần (logistics) và dịch vụ tiếp theo đó.
  • Các chức năng hỗ trợ (phi sản xuất, kể cả on-site hoặc off-site) sẽ không được cấp chứng nhận TS 16949 một cách độc lập mà phải được đánh giá và được bao gồm trong chứng nhận TS của cơ sở sản xuất mà các bộ phận chức năng này hỗ trợ.

III. LỢI ÍCH

  • Tập trung vào cải tiến liên tục, trong đó nhấn mạnh vào việc phòng ngừa sai lỗi, giảm sự biến động quá trình cũng như cắt giảm các lãng phí trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ.
  • Giảm chi phí và thời gian nhờ giảm thiểu việc đánh giá nhiều lần của các khách hàng khác nhau trong chuỗi cung ứng.
  • Có được lợi thế kinh doanh trong quá trình đàm phán hợp đồng.
  • Việc được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO/TS 16949 giúp tăng sự tin cậy đối với tổ chức khi tham gia đấu thầu quốc tế để cung cấp sản phẩm hoặc mở rộng quy mô kinh doanh trong nước.
  • ISO/TS 16949 giúp tạo ra phương pháp tiếp cận hệ thống quản lý chất lượng chung trong toàn chuỗi cung cấp (kể cả nhà cung cấp lẫn nhà thầu phụ) và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, áp dụng các phương pháp thực hành tốt nhất.

IV. CÁC BƯỚC TRIỂN KHAI

Tương tự quá trình triển khai các hệ thống quản lý dựa trên tiêu chuẩn (standard-based management) như ISO 9001, ISO 22000…, quá trình xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo ISO/TS 16949 cũng đi theo nguyên lý PDCA (Plan-Do-Check-Act), gồm các bước sau:

1. Chuẩn bị

  • Xác định mục đích, phạm vi xây dựng hệ thống quản lý chất lượng;
  • Lập Ban chỉ đạo triển khai ISO/TS 16949;
  • Bổ nhiệm các vị trí trách nhiệm theo yêu cầu tiêu chuẩn, gồm Đại diện Lãnh đạo về chất lượng (QMR/ Quality Management Representative); Đại diện khách hàng (CR/ Customer Representative), và phân công trách nhiệm Thư ký thường trực (khi cần thiết);
  • Đào tạo nhận thức chung về ISO/TS 16949;
  • Đánh giá thực trạng theo yêu cầu ISO/TS 16949 (Gap analysis);
  • Lập kế hoạch thực hiện (gồm kế hoạch tổng thể triển khai ISO/TS 16949 và kế hoạch chi tiết triển khai giai đoạn xây dựng hệ thống văn bản);
  • Chuẩn bị và phân bổ nguồn lực cần thiết để triển khai xây dựng, thực hiện hệ thống.

2. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng

  • Đào tạo về phương pháp xây dựng hệ thống văn bản;
  • Xây dựng hệ thống văn bản quản lý chất lượng, bao gồm:
    • Chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng;
    • Sơ đồ quá trình (Process mapping), Kế hoạch kiểm soát (Control Plan);
    • Sổ tay chất lượng;
    • Các quy trình (các quy trình bắt buộc thiết lập theo yêu cầu của tiêu chuẩn và các quy trình khác cần thiết cho tổ chức);
    • Các hướng dẫn công việc;
    • Các biểu mẫu.
  • Xác định nhu cầu đào tạo cho nhân viên về các kỹ năng cần thiết; lập kế hoạch và thực hiện đào tạo để đáp ứng nhu cầu này, trong đó tối thiểu về:
    • Tổng quan về hệ thống quản lý chất lượng theo ISO/TS 16949 đã thiết lập;
    • Kỹ năng thực hành 05 công cụ thiết yếu khi thực hiện ISO/TS 16949 (5 Core Tools, bao gồm: Hoạch định chất lượng sản phẩm nâng cao – APQP (Advanced Product Quality Planning), Quá trình phê chuẩn chi tiết – PPAP (Part Approval Process), Phân tích các hệ thống đo lường – MSA (Measurement Systems Analysis), Mô hình sai lỗi và phân tích tác động – FMEA (Failure Mode and Effect Analysis), Kiểm soát quá trình bằng kỹ thuật thống kê – SPC (Statistical Process Control));
    • Kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng làm việc nhóm…

3. Triển khai áp dụng

  • Phổ biến, hướng dẫn áp dụng các tài liệu của hệ thống;
  • Triển khai, giám sát việc áp dụng tại các đơn vị, bộ phận;
  • Xem xét và cải tiến các quy trình, tài liệu nhằm đảm bảo kiểm soát công việc một cách thuận tiện, hiệu quả.

4. Đánh giá nội bộ và xem xét của lãnh đạo

  • Đào tạo Đánh giá viên nội bộ hệ thống quản lý chất lượng theo ISO/TS 16949:2009;
  • Lập kế hoạch và tiến hành đánh giá nội bộ;
  • Khắc phục, cải tiến hệ thống sau đánh giá;
  • Xem xét của lãnh đạo về chất lượng.

5. Đăng ký và đánh giá chứng nhận

  • Lựa chọn và đăng ký tổ chức chứng nhận (là tổ chức đã được IATF công nhận chính thức: xem thông tin tại www.iatfglobaloversight.org/certBodies.aspx);
  • Đánh giá trước chứng nhận (Pre-audit) (tùy chọn);
  • Đánh giá chứng nhận giai đoạn 1 (Readiness review);
  • Khắc phục, cải tiến;
  • Kiểm tra xác nhận lại để khẳng định sự sẵn sàng của hệ thống sau khi đánh giá giai đoạn 1;
  • Đánh giá chứng nhận giai đoạn 2 (Certification audit);
  • Khắc phục, cải tiến;
  • Nhận chứng chỉ ISO/TS 16949 (có hiệu lực trong 3 năm);
  • Duy trì, cải tiến liên tục hệ thống và chịu sự giám sát định kỳ (9 hoặc 12 tháng) của tổ chức chứng nhận.

     


Tags:

hệ thống quản lý chất lượng

iso ts 16949

quản lý chất lượng

tiêu chuẩn iso

tư vấn iso


Similar posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

 chợ phùng khoang

Design by TopMan